Tìm hiểu một số biểu hiện tính chất tự trị của làng xã Việt Nam cổ truyền

Thứ năm - 29/08/2019 23:50

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Hiền

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

Trong nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam làng xã cổ truyền đã đóng góp một phần hết sức quan trọng, tạo dựng nên những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo riêng biệt trường tồn theo thời gian, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Làng vốn ban đầu là những công xã nông thôn - địa điểm tụ cư của những người dân gắn bó với nhau trên quan hệ địa vực là chủ yếu. Làng là nền tảng để xây dựng nhà nước đầu tiên, làng cũng là nền tảng vững chắc để chống lại cuộc đồng hóa dưới thời Bắc thuộc. Khi đất nước được độc lập tự chủ, làng tiếp tục là chỗ dựa, là sức mạnh để chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc.

          Nếu như quan hệ giữa các thành viên trong làng mang tính cộng đồng thì trong quan hệ với các cộng đồng bên ngoài và với chính quyền cấp trên làng lại mang tính chất tự trị, tự quản cao. Tính tự trị của làng một mặt giúp cho làng xã Việt Nam trở thành pháo đài xanh trước sự tấn công của kẻ thù về mọi mặt nhưng mặt khác cũng gây trở ngại lớn cho sự phát triển và giao lưu của làng xã. “Tính tự trị và các quan hệ cộng đồng trong làng xã khiến cho con người chỉ tồn tại hợp pháp với tư cách là thành viên chính thức, vì lí do nào đó có những người không đủ tư cách chính thức như dân ngoại tịch ngụ cư hoặc bị xóa tên trong sổ làng thì không được lệ làng bảo đảm, bị sống ngoài lệ làng”[1]. Tính tự trị là một đặc điểm lớn của làng xã Việt Nam truyền thống, đó là “tự điều chỉnh-tự điều khiển của làng xã trong quá trình vận động của kinh tế xã hội. Tự điều chỉnh, tự điều khiển là ít chịu sự can thiệp trực tiếp của các cấp chính quyền bên trên, là sự vận hành đa tuyến của xã hội dân sự”[2].

        Trong buổi đầu dựng nước, làng xã Việt Nam là những công xã nông thôn với tên gọi là những kẻ, chiềng, chạ. Đứng đầu các đơn vị hành chính này là Hội đồng các bô lão gồm những người cao tuổi và có uy tín trong làng xã. “Hội đồng sẽ quyết định mọi công việc lớn nhỏ, quyết định việc dời làng,việc chiến hay hòa, giải quyết những việc giao dịch hay tranh chấp, phân xử những vụ vi phạm luật tục, định mức phạt vạ[3]. Nhân dân làng xã tự nguyện đóng góp một phần thu nhập để cho Hội đồng này hoạt động nhằm lợi ích chung của cả cộng đồng. Trên cơ sở thống nhất các bộ lạc, nhà nước Văn Lang ra đời. Bộ máy nhà nước lúc đó còn rất sơ sài, để quản lí các đơn vị bên dưới, nhà nước phải dựa vào các Hội đồng bô lão do Bồ chính đứng đầu. Do đó, thời Hùng Vương, tổ chức quản lí làng xã hoàn toàn do làng xã tự điều hành thông qua Hội đồng bô lão và Bồ chính do dân bầu ra, nhà nước không can thiệp vào.

       Trong thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, các triều đại phong kiến phương Bắc luôn tìm cách can thiệp sâu vào nước ta, bộ máy thống trị của chúng ngày càng thắt chặt xuống các đơn vị hành chính bên dưới. Tuy nhiên, bộ máy quản lí làng xã vẫn do nhân dân bầu ra để thực hiện các nhiệm vụ chung.

          Sang thời kì phong kiến độc lập tự chủ, làng xã vẫn duy trì bộ máy quản lí quản lí làng xã của mình. Đó là, các Tiên chỉ, Thứ chỉ, các bô lão và Hội đồng kì mục được bầu theo khoán ước, hương ước của làng. Đồng thời bộ phận này cũng chính là những người bầu ra lí trưởng là người đại diện cho nhà nước trong việc quản lí làng xã và họ cũng là người quyết định mọi công việc của làng. Như vậy, nhìn vào bộ máy quản lí làng xã cho chúng ta thấy một điều làng xã vẫn có tính chất tự trị nhất định. Nhà nước buộc phải chấp nhận sự tồn tại của bộ phận phi quan phương trong làng xã làm cho bộ máy tổ chức quản lí làng xã trở thành một kết cấu nhị nguyên kết hợp giữa quyền tự trị của làng xã với chính quyền nhà nước.

       Tính tự trị của làng xã còn thể hiện qua quyền sở hữu và phân chia ruộng đất công làng xã. Làng xã Việt Nam vốn xuất phát là những công xã nông thôn với chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất. Khi nhà nước ra đời, các công xã vẫn giữ được quyền sở hữu và chiếm dụng ruộng đất này.

       Sau khi đất nước được tự chủ, chế độ chuyên chế trung ương tập quyền được cũng cố, chính sách ban cấp ruộng đất của nhà nước cho quan lại và người có công ngày càng rộng rãi, sở hữu tư nhân về ruộng đất ngày càng được mở rộng. Tuy vậy, nhà nước cũng phải chấp nhận một thực tế là các làng khi khai báo ruộng đất công lên cho nhà nước làm sổ điền bạ đã giữ lại một bộ phận để làm ruộng hậu thực hiện các công việc chung của làng xã hay là những ruộng đất khai hoang thêm của dân trong làng sau đó cũng nằm ngoài sổ quản lí của nhà nước. Tình hình này phổ biến nhiều hơn ở các tỉnh ở Đàng trong khi diện tích chưa khai khẩn còn một lượng lớn. Ở nhiều nơi vẫn tồn tại một thực tế “làng xã thật sự là đơn vị sở hữu và điều tiết, phân phối nguồn tài sản lớn nhất của cộng đồng là ruộng đất công trên cơ sở phép nước lệ làng, còn nhà nước chỉ nắm ruộng đất xã thôn trên danh nghĩa với mục đích chính là thu thuế”[4]

       Ngay cả việc phân chia ruộng đất theo chế độ quân điền của nhà nước cũng nhiều nơi vẫn làm theo lệ làng “chế độ quân diền thời Gia Long đề ra 3 năm một lần chia, nhưng không ít làng xã lại kéo dài đến 4 năm. Ngoài phần ruộng chia cho dân làng còn có ruộng cho giáp, cho chùa, cho đình, cho hội Tư văn, cho các chức dịch từ xã trưởng đến mõ- mà nhà nước trung ương không thể kiểm soát nổi”[5]

       Làng xã vốn ban đầu là nhóm cư dân gắn bó với nhau bởi quan hệ địa vực, để duy trì được cộng đồng cần phải có những quy định giữa các thành viên. Khi cộng đồng tăng lên, nhiều mối quan hệ phức tạp, chồng chéo nảy sinh càng đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ hơn. Những quy định đặt ra cho nhân dân mỗi làng mà nhiều khi nó còn có sức mạnh chi phối lớn hơn cả luật nước với nội dung khá phong phú và toàn diện, không giống nhau giữa các làng. Những quy định đó cho thấy tính tự trị của làng trên nhiều phương diện.

       Khi các cộng đồng dân cư ngày một đông đúc, các mối quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, các tục lệ nhiều thêm lên, cuộc sống làng xã không còn thuần nhất thì các quy ước truyền miệng không còn đáp ứng được việc quản lí cộng đồng, cần phải văn bản hóa. Vì vậy, hương ước ra đời. Hương ước là bộ luật của làng xã thể hiện tính tự trị của làng xã đối với nhà nước phong kiến, là cương lĩnh tinh thần của mọi thành viên trong làng xã. Tính tự trị của làng xã qua hương ước được phản ánh qua các điều lệ quy định của hương ước nhiều khi còn khác xa so với pháp luật của nhà nước. Ngay cả những nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của làng xã với nhà nước như các quy định về phân chia ruộng đất công, đống nộp sưu thuế, phu phen tạp dịch cũng được cụ thể hóa theo điều kiện, đặc điểm của từng làng. Ngoài ra tính tự trị của làng Việt cổ truyền qua hương ước còn thể hiện ở việc mỗi làng có một bản hương ước riêng không giống nhau thậm chí có khi còn trái ngược nhau. Các bản hương ước đó có thể được điều chỉnh qua từng thời kì tùy theo sự thay đổi của làng của nước, và sự thay đổi này có thể không báo lên chính quyền cấp trên làm cho nhà nước không dễ gì quản lí được. Nhà nước có muốn can thiệp sâu vào làng xã thì vẫn phải công nhận cho làng có những quyền tự trị nhất định trong việc duy trì những phong tục tập quán của làng. Ngược lại, muốn được nhà nước chấp nhận hương ước riêng của làng xã thì làng xã cũng phải lồng vào đó những quy định của nhà nước, “hương ước là hiện thân của sự dung hòa quyền lợi giữa nhà nước và làng xã”[6].

        Như vậy, làng xã qua các thời kì đều mang tính chất tự trị tuy mức độ không giống nhau, bởi vì “công xã nông thôn với chế độ sỡ hữu công xã về ruộng đất và nền kinh tế tự nhiên kết hợp chặt giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp bản thân nó mang tính chất cục bộ”[7].

 


[1] Phan Đại Doãn, Một số vấn đề văn hóa làng xã Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 132

[2] Phan Đại Doãn, Một số vấn đề văn hóa làng xã Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 87

[3] Huỳnh Công Bá, Giáo trình Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1427, Huế, 1996, tr 57

 

[4]  Bùi Thị Tân, Tình hình ruộng đất và phương thức sử dụng ruộng đất công ở làng Châu Hoan (Huyện Hải Lăng- Quảng Trị), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6- 1994, trang 35

[5] Phan Đại Doãn, Làng xã Việt Nam – Những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

[6] Bùi Xuân Đính, Pháp luật Việt Nam thời phong kiến- Những suy ngẫm, NXB. Pháp luật, Hà nội, 2002, tr 291

[7] Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn (tập 2), NXB. Thế Gới, Hà Nội, 1999, tr 35

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây