Đảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh Kon Tum học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ chí minh về tận tâm, tận tụy

Thứ tư - 11/10/2023 21:00

Nguồn tin: Nguyễn Lương Thủy - Trường phòng QLĐT & NCKH

         Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tụy, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững” là nội dung chuyên đề riêng của tỉnh Kon Tum năm 2023. Đây là nội dung quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi gợi tinh thần trách nhiệm, phát huy sức mạnh để cùng góp sức xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
         Theo Hồ Chí Minh, Tổ quốc - Đất nước là của tất cả mọi người Việt Nam và Nhân dân chính là chủ nhân của đất nước. Tổ quốc và Nhân dân có mối quan hệ máu thịt, theo nghĩa “đồng bào”. Khi Tổ quốc lâm nguy thì mọi người phải "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"[1]. Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực, tận tình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người dạy việc gì lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Mục đích hoạt động của các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên là nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân, cả đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần. Cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.

       Khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Bác nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[2]. Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30-5-1946), Hồ Chí Minh khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng ngày đêm, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó… bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[3]. Và, trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[4].
         Phong cách Hồ Chí Minh về sự tận tâm, tận tụy: Phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm. Đây vừa là phong cách công tác, vừa là phương pháp tư duy hữu hiệu của người cán bộ cách mạng. Người đặc biệt lưu ý, người cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải miệng nói tay làm, làm gương cho người khác, vì theo Người: “các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[5]. Với những cán bộ "miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa ngủ trễ, bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền hàng trăm năm cũng vô ích"[6]. Đó là những cán bộ hỏng. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ: “Làm việc không thiết thực… Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”[7]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý, đối với Nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông, Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực của cán bộ.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về sự tận tâm, tận tụy với công việc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn là một mẫu mực về tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người luôn dồn hết tâm lực, trí tuệ để cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng, phát triển đất nước, với một mong ước cháy bỏng làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Nét nổi bật trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người. Người quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, hiếm khi để bất cứ ai phải đợi mình, đã hẹn là đến, đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào, giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Người đã chờ sẵn, hẹn cán bộ, quần chúng nào, dù khó khăn đến mấy cũng đến và đến đúng giờ. Trong một ngày, Người giải quyết rất nhiều công việc từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư... với sự phân bổ thời gian hợp lý, khoa học đã giúp Người tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Tấm gương mẫu mực suốt đời tận tâm, tận tụy, phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
          Từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ta có thể thấy, tận tâm, tận tụy là sự siêng năng, toàn tâm toàn ý vì công việc, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, nhưng không phải mưu cầu cho lợi ích cá nhân, mà cho Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân. Vì vậy, sự tận tâm, tận tụy, trước hết phải gắn với mục đích của lợi ích hướng tới ai. Ví dụ: Chăm chỉ làm việc, làm ngày, làm đêm để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao nhằm đạt các danh hiệu thi đua, được tăng lương hay nhận các hình thức khen thưởng thì chưa được gọi là sự tận tụy. Mặc dù biểu hiện hành vi có giống nhau, kết quả đạt được có thể cũng giống nhau, nhưng mục đích hướng tới lại là lợi ích của cá nhân. Lợi ích này không sai, thậm chí, nên khuyến khích, vì nó cũng là động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, đó chỉ mới dừng ở sự mẫn cán, chăm chỉ. Sự tận tụy nên được hiểu là sự đau đáu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích Nhân dân, lợi ích đoàn thể, cộng đồng, vì uy tín của ngành, của địa phương, đơn vị.
         Như vậy, một người được đánh giá là tận tâm, tận tụy thường có những biểu hiện nhận diện sau: Say mê (đam mê), có trách nhiệm cao với công việc được giao; luôn có tinh thần cầu tiến, chủ động học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên tham mưu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp đổi mới; làm việc đúng giờ và chỉn chu trong mọi cuộc họp; luôn có thái độ vui vẻ, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ; có tinh thần tự phê bình và phê bình, luôn chú ý phát huy ưu điểm, tự giác sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; không đòi hỏi lợi ích cho mình khi thực thi nhiệm vụ; luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.
          Đối chiếu với những biểu hiện nhận diện nêu trên, có thể nhận thấy đa số đảng viên, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum tận tâm, tận tuỵ với công việc, luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Trường. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít đảng viên, viên chức còn chưa thực sự tích cực trong phát huy khả năng của mình để tham gia vào phong trào chung của Trường; chưa bố trí đủ thời gian cho học tập, nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Trước tình hình trên, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tụy trong Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Kon Tum là việc làm thiết thực, là giải pháp hữu hiệu để mỗi đảng viên, viên chức phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, góp phần giúp Trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
          Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tụy có hiệu quả, đảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh Kon Tum cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
          Một là, nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các chủ trương của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao để chỉ đạo, triển khai thực hiện đúng đắn, sát thực, đạt hiệu quả cao.
           Hai là, tích cực, chủ động, tự giác tham gia học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; phải gắn lý luận với thực tiễn, nắm vững lý luận và có biện pháp giải quyết thấu đáo các vấn đề cụ thể, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.
          Ba là, nâng cao trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác; tích cực, tự giác thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao: Khi được cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ việc lớn hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải khắc phục mọi khó khăn, tự giác thực hiện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện nhiệm vụ, đảng viên, viên chức phải thực hiện đúng chức trách, đúng thời gian nhiệm vụ được giao, làm đúng quyền hạn, phận sự, không bỏ sót việc nào; phải hiểu biết công việc mà mình đảm nhận, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công việc mà mình phụ trách. Đảng viên ở cương vị càng cao thì càng phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, tự giác, tận tâm, tận tuỵ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa phải thực hiện đảm bảo chức trách, nhiệm vụ của mình, vừa phải nâng cao trách nhiệm xây dựng tập thể trong sạch, vững mạnh.
          Bốn là, không ngừng rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Làm việc có kế hoạch, có chuẩn bị, có sự tự kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm. Ở mỗi một vị trí công tác, đảng viên, viên chức phải có sự tìm tòi, sáng tạo, đề xuất được những ý kiến hay, những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, sự sáng tạo, đổi mới phải giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới, sáng tạo phải có tính kế thừa, phát triển và tôn trọng giá trị lịch sử.
          Năm là, có tinh thần tự phê bình và phê bình; chủ động phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp. Kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm. Đảng viên, viên chức phải phát huy được tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy cái đúng, cái tốt cũng như kịp thời phát hiện cái sai, cái xấu để ngăn chặn, đẩy lùi. Đấu tranh phê bình các biểu hiện làm việc thiếu trách nhiệm, nói một đằng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm… Đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phát huy vai trò nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển đối với bản thân và của đơn vị./.
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.3.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.187.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, tr.272.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 15, tr.623.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 2, tr.284.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.108.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr..256-257.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây